Căn cứ theo Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản như sau:
“Điều 472. Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hợp đồng thuê tài sản không bắt buộc phải lập thành văn bản và cũng không phải công chứng, chứng thực mà chỉ cần thỏa thuận của các bên. Căn cứ thông tin bạn cung cấp, bạn có ký hợp đồng thuê nhà với chủ nhà với thời hạn thuê, nhưng đến nay chưa hết thời hạn cho thuê mà bên chủ nhà đã muốn đòi lại nhà mà không có sự đồng ý của bạn. Theo đó, căn cứ Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng:
“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”
Như vậy bên chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà với bạn trước thời hạn khi bạn vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng thuê nhà như là việc bạn không thanh toán tiền thuê nhà đúng thời hạn, không thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng thuê nhà, bạn cố ý hủy hoại tài sản được thuê hoặc gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hàng xóm, địa phương,… Lúc này, chủ nhà của bạn chỉ cần báo trước cho bạn một thời gian hợp lý (mà luật không có quy định thời gian hợp lý là bao lâu).
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, trong hợp đồng thuê nhà có nêu rõ, một trong hai bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà mà không cần lý do gì, chỉ cần đáp ứng điều kiện là báo trước cho bên còn lại ít nhất 30 ngày. Vì vậy, chủ nhà muốn lấy lại nhà để sửa chữa hoặc thậm chí vì bất kỳ một lý do nào đó thì chủ nhà chỉ cần thông báo cho bạn 30 ngày, mà không cần có sự đồng ý của bạn. Đây được xem là bất lợi lớn nhất của bạn vì ngay từ thời điểm ký hợp đồng thuê nhà bạn đã không thỏa thuận rõ về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho bạn.
bạn có quyền yêu cầu chính chủ nhà có văn bản hoặc thông báo chính thức cho bạn và phải báo trước đủ ít nhất 30 ngày. Bên cạnh đó, bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên chủ nhà đòi lại nhà mà gây thiệt hại cho bạn như các khoản tiền bạn đã đầu tư để sửa sang lại nhà để buôn bán, các chi phí đầu tư vào ngôi nhà này cũng như các hợp đồng mà bạn không thể ký kết với khách hàng khi bị chủ nhà lấy lại nhà,…
Trong trường hợp xấu nhất, bạn và bên chủ nhà không thể thỏa thuận được với nhau về vấn đề bồi thường thiệt hại khi bên chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện nộp cho Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để yêu cầu giải quyết tranh chấp.